Giải pháp "hạ" mụn, làm đẹp da

Mụn không chỉ là vấn đề của người trẻ. Những phụ nữ ở lứa tuổi trung niên cũng vẫn gặp phải những khó chịu vì những nốt mụn đáng ghét và tình trạng làn da không mịn màng.
Hãy biết rõ căn nguyên...

Mụn trứng cá là hậu quả cửa sự gia tăng quá mức hoạt động của tuyến bã. Chất nhờn tăng sinh kết hợp với tế bào chết, bụi bẩn... làm tắc nghẽn, thậm chí là viêm nhiễm các lỗ chân lông. Sự thay đổi hoạt động của tuyến nội tiết kéo theo những rối loạn trong hoạt động của tuyến bã là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tình trạng mụn xuất hiện và trở nên trầm trọng (điều này lý giải tại sao các bạn gái tuổi dậy thì thường bị mụn trứng cá nhiều nhất). Ngoài ra, các yếu tố khác thúc đẩy phát sinh mụn gồm thực phẩm, tình trạng stress, ô nhiễm môi trường, tiếp xúc với hóa chất và dùng thuốc (đặc biệt là thuốc nhóm Corticoide...).

Tình trạng mụn trứng cá sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu kết hợp với sự gia tăng hoạt động của vi khuẩn Propionibacterium acnes - hiện diện rất nhiều trên da của bệnh nhân bị mụn trứng cá. Chúng sẽ kết hợp với lượng chất nhờn và các tế bào chết để làm tăng độ nghiêm trọng của mụn và sự sưng tấy ống chân lông. Sự sưng tấy này gây nên mụn trứng cá mủ xuất hiện trên mặt da. Nếu sưng tấy kéo dài và không được chữa trị, các mụn u nang lông nghiêm trọng sẽ phát triển sau đó, dẫn đến nhiễm trùng cũng như tạo sẹo vĩnh viễn.

Để chăm sóc hợp lý...

Tùy vào nguyên nhân và tình trạng của các đốm mụn mà các bác sỹ da liễu sẽ cho bạn những lời khuyên cụ thể. Các nguyên tắc quan trọng nhất trong điều trị mụn trứng cá bao gồm:

Chăm sóc da đúng cách mỗi ngày: Rửa mặt nhẹ nhàng với xà phòng trung tính, giữ da mặt sạch, không nặn mụn trứng cá, không dùng mỹ phẩm, đặc biệt là các loại cream dưỡng da gốc dầu và mỹ phẩm trang điểm...

Cân bằng chế độ dinh dưỡng: Thực phẩm không phải là nguyên nhân gây nên mụn trứng cá nhưng là một trong những yếu tố chính khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Bạn nên hạn chế các loại thức ăn ngọt và béo: món nướng, rán, chè, bánh ngọt, chocolate, xoài, sầu riêng... Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả, uống nhiều nước để tránh tình trạng táo bón - một nguyên nhân quan trọng gây nên mụn trứng cá.

Cân bằng cuộc sống: Trách các công việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm và hóa chất, giảm thiểu tình trạng căng thẳng thần kinh và tăng cường tập thể dục để thúc đẩy sự đào thải chất cặn bã ra khỏi cơ thể (lưu ý cần tắm sạch sau khi tập).

Và điều trị thích hợp

Thông thường, bạn có thể tự mua các loại kem chuyên dụng để phòng ngừa và điều trị mụn trứng cá tại các hiệu thuốc. Đừng quên các loại kem tẩy tế bào chết (Dạng cream cát hoặc mặt nạ lột nhẹ) để loại bỏ lớp tế bào chết trên bề mặt da, để các lỗ chân lông được thông thoáng, không bị bít, tắc gây nên các ổ mụn. Tuy nhiên, chú ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng bởi sử dụng quá thường xuyên các sản phẩm này có thể khiến cho tình trạng tăng sinh bã nhờn mạnh mẽ hơn. Thông thường, tốt nhất là chỉ nên dùng một lần một tuần.

Nếu mụn cám, mụn trứng cá quá nhiều, sẽ dẫn đến viêm da. Khi đó bạn phải đi khám bác sỹ chuyên khoa da liễu để được điều trị. Tùy theo căn nguyên gây nên mụn, bạn sẽ được tư vấn dùng thuốc hạn chế sự tăng tiết cửa bã nhờn, thuốc diệt khuẩn (dạng uống hoặc thoa). Lời khuyên là bạn cần phải được thăm khám và chỉ định cụ thể cho tình trạng của riêng mình, không nên tự ý mua thuốc uống, tiêm hay thoa... có thể khiến tình trạng mụn trứng cá có những biến chứng, điển hình là tình trạng viêm da bội nhiễm, rất khó điều trị và có thể để lại những di chứng nặng nề.
Theo - Tiêu Dùng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Chăm Sóc Da. Design by MM24/7 Templates.