Bạn nên sắm 3 cái thớt, một để thái thức ăn sống, một dùng cho đồ chín và cái khác chuyên cắt trái cây... để tránh nhiễm vi khuẩn chéo.
Thớt là vật dụng rất quan trọng trong nhà bếp giúp bạn chế biến những món ăn ngon. Dùng thớt đúng cách để vừa ăn ngon vừa đảm bảo vệ sinh, bảo vệ sức khoẻ là chuyện không phải ai cũng chú ý.
1. Chọn và sử dụng thớt
Có ba loại thớt: gỗ, nhựa và thuỷ tinh
- Thớt gỗ: Thích hợp khi bạn muốn chặt, băm thức ăn. Tuy nhiên, thớt gỗ thường có mùn, bị nứt và mục sau một thời gian sử dụng. Những khe nứt để giữ lại mảnh vụn của thức ăn, là yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn.
- Thớt nhựa: Thớt nhựa không bị mùn nhưng không nên dùng thớt nhựa để chặt, băm bởi không những dao sẽ bị cùn nhanh mà những mảnh nhựa còn có thể văng ra lẫn vào thực phẩm.
- Thớt thuỷ tinh: Ưu điểm của thớt thuỷ tinh là không bị mùn, không bị ô xy hoá, dễ lau rửa. Dùng cắt đồ ăn chín hay trái cây đều được mà bề mặt không bị xước. Nhưng hạn chế của loại thớt này là không dùng để băm, chặt được đồ ăn cứng.
Lưu ý: Khi chặt cá, thịt bạn nên dùng thớt gỗ để tránh làm dao bị cùn. Với cùng một diện tích, nhưng thớt hình chữ nhật sẽ làm bạn cảm thấy rộng và thoải mái hơn khi băm, cắt thức ăn. Và tốt nhất bạn nên có ba cái riêng biệt. Một dùng cắt thức ăn sống, một dùng cắt thức ăn chín và một cái thái trái cây, rau củ để tránh lây nhiễm vi khuẩn chéo.
2. Vệ sinh thớt
Sau khi cắt thức ăn, thớt rửa không sạch sẽ phát sinh nhiều vi khuẩn. Do đó bạn nhớ rửa sạch bằng nước rửa bát ngay sau khi sử dụng rồi dựng hoặc treo thớt lên cho ráo nước. Hoặc:
- Rắc một ít muối lên bề mặt thớt, sau dó dùng 1/2 trái chanh trà lên thớt. Thớt sẽ sạch và chống được vi khuẩn.
- Đổ nước nóng lên thớt rồi dùng bàn trải cứng để chà rửa, như thế vi khuẩn sẽ chết hết.
- Hòa thuốc sát trùng với nồng độ 5% (8 -16ml thuốc trong 2 lít nước) rồi ngâm thớt vào đó. Thời gian ngâm là 10 - 15 phút để tẩy sạch vi khuẩn.
Theo Bếp Gia Đình
0 nhận xét:
Đăng nhận xét