Nghệ thuật tặng quà

Giáng sinh và năm mới là dịp để mọi người trao tặng nhau những món quà ấm áp. Những qui tắc nhất định trong tặng quà sau đây sẽ giúp bạn tháo gỡ những mối bận tâm về vấn đề này.
Quà sinh nhật bạn bè, quà đám cưới đồng nghiệp, quà mừng tân gia sếp, quà cho đứa cháu mới sinh, quà 20/11 cho thầy cô, quà đi công tác xa về, quà 8/3 cho một nửa nhân loại, quà cho một nửa nhân loại còn lại không phải vào ngày 8/3... Có thể nói ở đâu có cuộc sống, ở đó có quà tặng. Tuy nhiên, ý nghĩa và mục đích tặng quà chẳng phải bao giờ và ở nơi nào cũng giống nhau.
Có những món quà tặng được ta sử dụng hàng ngày nhưng cũng có những món quà chỉ thuần túy mang ý nghĩa tinh thần. Có những món quà khiến ta vui sướng, có những món quà làm ta no bụng, lại cũng có những món quà làm ta ấm lòng... Có những món quà chỉ khiến ta lưu tâm trong chốc lát những cũng có những món quà ta mang theo suốt cả cuộc đời...
Quà tặng, về bản chất, bao giờ cũng mang lại niềm vui cho những người nhận. Khi mang sứ mạng truyền tải những thông điệp của yêu thương, những món quà sẽ trở nên đặc biệt thiêng liêng.
Sự thiêng liêng đó xóa nhòa khoảng cách giữa một chiếc ô tô nhựa ở miền quê nghèo và một chiếc iPod Touch long lanh trong khu biệt thự mới. Sự thiêng liêng đó xóa nhòa ranh giới giữa một chiếc nhẫn đính kim cương và một bó hoa dại ven đường. Nó trở thành một thứ quyền lực vô biên có thể hóa thân thành niềm vui trong ánh mắt một cô gái đang yêu và nụ cười nhăn nheo của một cụ già trong ngày mừng lên lão, có thể khiến cho người đàn ông khô khan nhất bỗng chốc trở thành đa cảm và những số phận tật nguyền đầy mặc cảm bỗng chốc trở nên mạnh dạn với cuộc đời.
Thế nhưng tiếc là sự thiêng liêng đó đang ngày càng mai một bởi những suy nghĩ thực dụng của những con người ngày càng thực tế. Văn hóa quà tặng đầy ý nghĩa một thời đang bị lấn át bởi cái "văn hóa phong bì". Cưới xin, đầy tháng, tân gia... bây giờ người ta ít bỏ công đi mùa quà mà mừng tiền để tiện cho cả người tặng lẫn người nhận. Thôi thì dù những người bảo thủ hay ưa hoài cổ chẳng thể quen ngay thì cũng dần phải chấp nhận cái xu thế chung của xã hội, bởi cái gì tồn tại mà chẳng có lý của nó.
Nhưng có những sự thực đầy phi lý vẫn tồn tại mà quà hối lộ là một ví dụ điển hình. To như nhà lầu, nặng như xe hơi, nhẹ như số cổ đông của các công ty có cổ phiếu blue chip, hiếm như đá quý, "độc" như ngà voi hay sừng tê giác. Mèng ra thì cũng phải chai rượu ngoại, tút thuốc lá. Và đương nhiên là không thể thiếu phong bì, tất cả những thứ đó đang mạo danh quà tặng để gửi gắm những cậy nhờ hay vay trả...
Quanh những dịp lễ tết, ngõ nhà các sếp lớn cứ đông như hội, người ra kẻ vào mà muôn người như một đều giống nhau ở vẻ nhớn nhác, sốt ruột, nôn nóng để chờ được gặp nhân vật chính, chờ được đưa tận tay người nắm quyền thăng quyền giáng mình cái món quà mà mình đã bao đêm nhăn trán suy tính, bao ngày long tóc gáy lùng sục. Khi quà tặng bị biến tướng thành của biếu thì cái ý nghĩa thiêng liêng của nó cũng biến mất.
Nước Việt là một trong những quốc gia có truyền thông tặng quà. Nhưng có lẽ vì chúng ta quá trọng cái hình thức nên ngày càng biến quà tặng thành gánh nặng cho những người đi đâu xa về. Cả nhà nghỉ hè đi tắm biển thì lúc về sẽ phải có cân mực khô biếu ông ngoại uống bia, mấy con ghẹ tươi cho bà nội hấp, chai nước mắm cho chị dâu, ít tôm khô cho chị gái rồi vài cái dây đeo chìa khóa cho đứa cháu trai hay cái vòng ốc cho cô cháu gái.
Nếu đi lên núi thì đứt khoát phải có cân nấm hương, ít mộc nhĩ hay chai mật ong cho người ở nhà thì mới được tiếng là ăn ở có trước có sau. Nếu ai có cơ may xuất ngoại (dù chỉ đi du lịch bằng tiền túi) thì còn đau đầu hơn nữa về vấn đề quà tặng. Nào khăn cho bà nội, áo cho ông ngoại, mỹ phẩm cho chị em, đồ chơi cho con trẻ, rồi kẹo bánh cho đồng nghiệp ở cơ quan... Nội việc lo đủ được chừng ấy thứ quà cho cỡ vài chục người đã khiến thân chủ phải oải và chả có tâm trí đâu mà ngắm danh lam thắng cảnh hay thưởng thức của ngon vật lạ nữa. Những kỳ nghỉ, những chuyến du lịch vì thế trở nên bớt thú vị đi nhiều lắm.
Những chuyến công cán nước ngoài ban đầu còn đầy sự háo hức vì được đi đây đi đó, dần dần trở thành chuyện chẳng đặng đừng cũng chỉ bởi ngại tốn tiền cho những món quà không có thì thiếu, thì bị trách móc mát mẻ mà có lại thành thừa bởi chẳng có nhu cầu dùng đến hoặc không đúng sở thích.
Cũng bị tâm lý tặng quà đè nặng nên đôi khi người nhận được quà rơi vào tình thế dở khóc dở cười! Cậu sinh viên cạnh nhà tôi trong một lần tham dự chương trình trò chơi truyền hình đã thực sự ngượng ngập khi được nhận nguyên một lố băng vệ sinh - quà tặng của nhà tài trợ. Hay một anh nhà báo đi thực tế ở một công ty sản xuất phân bón thì được tặng ngay một bao lớn dù nhà anh ở phố, bói cũng chẳng ra một chỗ trồng cây.
Xã hội ngày càng phát triển nhưng dường như quà tặng thì ngày càng mất đi những ý nghĩa tốt đẹp vốn có. Văn hóa quà tặng vẫn cần được nhìn nhận lại để những món quà chỉ để chở những thông điệp yêu thương giữa người trao và người nhận.
Theo Sành Điệu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Chăm Sóc Da. Design by MM24/7 Templates.